Câu hỏi: Các mục tiêu và các nguyên tắc thực hiện việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Liên hệ
Điều 113 Hiến pháp 2013 quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình và xuất phát từ lợi ích chung của đất nước, của nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân dân quyết định những chủ trương, biện pháp để xây dựng và phát triển địa phương về mọi mặt: kinh tế, văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục..., làm tròn nghĩa vụ của địa phương với cả nước.
Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của cấp trên, Hội đồng nhân dân ban hành các nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó. Khi thực hiện chức năng giám sát, Hội đồng nhân dân có quyền bãi bỏ những nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, những quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, qua hoạt động của từng đại biểu Hội đồng nhân dân. Kỳ họp của Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động cơ bản nhất của Hội đồng nhân dân. Trên kỳ họp, Hội đồng nhân dân thảo luận và ra nghị quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành, trừ trường hợp bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thường trực Hội đồng nhân dân là thiết chế bảo đảm các hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu giám sát và hướng dẫn của Hội đồng nhân dân cấp trên, của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Thường trực Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Triệu tập và chủ tọa kỳ họp của Hội đồng nhân dân; phối hợp với Uỷ ban nhân dân chuẩn bị kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
- Đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cùng các cơ quan nhà nước khác ở địa phương.
- Điều hoà, phối hợp hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân, giữ mối quan hệ với các đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Tiếp dân, đôn đốc kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cùng cấp lên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp.
- Giữ liên hệ và phối hợp công tác với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được bảo đảm bằng các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
b) Vấn đề thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường
Nghị quyết số 17/NQ-TW ngày 01-8-2007 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước đã đề ra chủ trương thí điểm: đối với chính quyền nông thôn không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện; đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường. Trên cơ sở Nghị quyết số 17/NQ-TW, ngày 15-11-2008, Quốc hội khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Tiếp đó ngày 23-02-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 12-3-2009 để lãnh đạo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 69 huyện, 32 quận và 483 phường thuộc 3 thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng 7 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Mục tiêu của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhằm tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; qua thí điểm đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để tiếp tục tổ chức hợp lý chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Nguyên tắc việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; sự thống nhất, đồng bộ giữa cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương với cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị; xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn; bảo đảm cơ sở pháp lý và sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo các cấp, các ngành; thực hiện công khai, dân chủ, tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp và bằng nhiều biện pháp tổng hợp, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị để bảo đảm thành công.
Liên hệ thực tiễn:
Những kết quả đạt được
Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường được thực hiện tại 67 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) từ tháng 4-2009 đến nay đã đạt những kết quả tích cực. Thực tế tại các đơn vị thí điểm, quyền đại diện của người dân không bị ảnh hưởng. Với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho các ban của HĐND cấp tỉnh và tổ chức lại tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, đồng thời tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh đã bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của người dân trên địa bàn. Ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân còn được bảo đảm thông qua việc nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, MTTQ và đoàn thể các cấp. Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước cũng được mở rộng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức trao đổi, đối thoại với công dân; gửi kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan; tham gia các hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố…HĐND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các chương trình "Nói và làm", "Lắng nghe và trao đổi" trên hệ thống truyền hình của thành phố nhằm thông tin kịp thời và lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của nhân dân. Nhiều phường ở TP Đà Nẵng xây dựng và thực hiện "Bản thông tin dân chủ", chuyên mục "Dân hỏi, cơ quan chức năng trả lời" trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Một số quận, huyện của TP Hải Phòng thành lập tổ điều tra thăm dò dư luận xã hội…
Điểm đáng ghi nhận nữa là những nơi thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã tăng thẩm quyền và trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp trên trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo, điều hành và công tác tổ chức cán bộ. Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã bước đầu định hình sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Mọi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quy hoạch xây dựng, bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, cảnh quan, môi trường trên địa bàn được chuyển giao cho UBND cấp trên, bảo đảm được sự quản lý thống nhất, đồng bộ ở địa bàn đô thị, hạn chế tình trạng chia cắt giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Những hạn chế
Theo quy định của pháp luật, Thường trực HĐND do HĐND cùng cấp bầu, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực và các chức danh này không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp. Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ chuyên trách HĐND phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy Đảng ở địa phương, chức danh Ủy viên Thường trực ít tham gia cấp ủy cùng cấp.
Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Như vậy, 4 nhiệm vụ chính của HĐND cấp quận, huyện đã được chuyển giao cho HĐND cấp tỉnh là:
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân TAND huyện, quận;
- Giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện, quận;
- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết trái pháp luật của HĐND xã, thị trấn;
- Giải tán HĐND xã, thị trấn trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.
Thực tiễn thí điểm cho thấy, đã xuất hiện nhiều bất cập cần được quan tâm đó là: bầu Hội thẩm nhân dân; thực hiện nhiệm vụ giám sát; quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; tính đại diện cho người dân… Trong khi số lượng đại biểu HĐND chuyên trách ở các địa phương rất ít như hiện nay (từ 5 đến 6 đại biểu) lại thêm trách nhiệm cho HĐND cấp tỉnh sẽ dẫn đến việc HĐND cấp tỉnh khó có khả năng hoàn thành được khối lượng công việc được giao. Chỉ tính hai nhiệm vụ đầu trong 4 nhiệm vụ chính được chuyển giao nói trên, cũng thấy ngay những vướng mắc không dễ giải quyết.
Chẳng hạn, với nhiệm vụ là bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân TAND huyện, quận, HĐND cấp tỉnh đã phải quyết định một số lượng rất lớn Hội thẩm nhân dân khi không có HĐND cấp dưới, nên không tránh khỏi tính hình thức. Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh phải bầu 762 Hội thẩm nhân dân cho các huyện, quận thí điểm không tổ chức HĐND. Để bầu cho 762 vị Hội thẩm, riêng việc đọc hết 762 hồ sơ (mỗi hồ sơ từ 1 - 2 trang, nếu đầy đủ thông tin để đại biểu quyết thì phải còn nhiều hơn thế) cũng là điều không phải dễ dàng.
Đối với nhiệm vụ quan trọng là giám sát, ở nơi không có HĐND cấp quận, huyện, việc này được giao cho HĐND cấp tỉnh giám sát UBND, TAND, VKSND quận, huyện. Đây là nhiệm vụ khó khăn, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh chưa đạt được như mong muốn của người dân. Nếu chỉ xét riêng về số lượng đối tượng là cơ quan bị HĐND giám sát thì tại TP. Hồ Chí Minh, HĐND phải giám sát thêm 72 đầu mối ở 24 đơn vị quận, huyện trong khi trước đó HĐND chỉ giám sát khoảng 30 đối tượng là cơ quan cùng cấp. Bên cạnh số lượng đối tượng giám sát tăng thì hình thức giám sát, các chế tài hậu giám sát (áp dụng với đối tượng giám sát nếu phát hiện vi phạm…) cũng là gánh nặng phải giải quyết. Đó là chưa tính tới hạn chế bởi HĐND cấp tỉnh khó có đủ nhân lực, quyền lực để thực hiện tốt.
Trong khi chưa có sự thay đổi về hoạt động thanh tra, kiểm tra của UBND cấp tỉnh như hiện nay, dẫn đến trong thực tế, hoạt động của Chủ tịch UBND quận, huyện nói riêng và của UBND quận, huyện nói chung dễ có sự vi phạm pháp luật bởi thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Thực tế này tạo ra không ít áp lực cho HĐND cấp trên ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện.
Và như vậy, khi không còn HĐND huyện, quận, phường thì gần như không còn cơ chế độc lập giám sát, kiểm soát UBND huyện, quận có hiệu quả, nhất là với việc kết hợp Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. Mặt trận Tổ quốc huyện, quận không đủ năng lực và cơ chế pháp lý để giám sát UBND; HĐND cấp tỉnh như trên đã nói, cũng không đủ khả năng giám sát. Có chăng, chỉ còn hoạt động giám sát của cấp ủy Đảng và sự kiểm tra của UBND cấp trên mà thôi, nhưng việc kiểm tra của UBND tỉnh, thành phố cũng hạn chế, không thường xuyên mà chủ yếu kiểm tra khi có vụ việc xảy ra.
Tuy nhiên, qua xem xét các mặt đạt được, những hạn chế sau khi thực hiện thí điểm, ngày 19 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương thay thế Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003 và theo đó quy định: tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.
Bình luận