Bài kiểm tra môn Chính sách nguồn nhân lực cao học hành chính. Nêu và phân tích những đặc điểm chủ yếu của nguồn nhân lực Việt Nam

29-03-2024 16:54 Lượt xem: 550 Download: 267 5 trang
Bài tập môn Chính sách nguồn nhân lực cao học hành chính. Nêu và phân tích những đặc điểm chủ yếu của nguồn nhân lực Việt Nam. phát triển nguồn nhân lực phải gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, chính sách lương - thưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Đại hội XI đã đề cập tới việc cụ thể hóa những hoạt động của lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu cường độ lao động cao.

Bản xem trước: Download Bản đầy đủ

Bài tập môn Chính sách nguồn nhân lực cao học hành chính. Nêu và phân tích những đặc điểm chủ yếu của nguồn nhân lực Việt Nam.

          * Khái niệm nguồn nhân lực:

Lịch sử văn minh nhân loại đã trải qua hơn 4.000 năm xây dựng và phát triển. Từ thời cổ đại xa xưa cho đến thế giới cận đại ngày nay, chúng ta đều thấy những dấu ấn của bàn tay lao động với trí lực, tâm lực, thể lực của loài người đã cải biến thế giới đầy khắc nghiệt trở thành một xã hội tiến bộ, văn minh giàu đẹp. Con người là chất xúc tác để biến những cái không thể thành những cá có thể, những việc không tưởng thành hiện thực xã hội như khám phá những vũ trụ bao la, chinh phục đại dương, những công trình khoa học đồ sộ phục vụ xã hội, phục vụ đời sống nhân loại. Con người là nguồn lực vô giá, quan trọng nhất trong các nguồn lực xã hội khác như nguồn lực tài chính, nguồn lực tài nguyên, nguồn lực cơ sở vật chất,…Hay nói cách khác, con người chính là nguồn nhân lực trong hệ thống các nguồn lực xã hội.

Nguồn nhân lực là một bộ phận của các nguồn lực xã hội có khả năng huy động, quản lý để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Là khả năng lao động của xã hội, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động. Nguồn nhân lực là một bộ phận dân số trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động.

Nguồn nhân lực là nguồn lực về con người, là nguồn sức lao động cung cấp cho xã hội, là bộ phận quan trọng nhất của dân số tạo ra giá trị về của cải vật chất, văn hoá và các công việc dịch vụ, xã hội.

          * Những ưu điểm của nguồn nhân lực Việt Nam:

1. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và tăng nhanh: Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ hai Đông Nam Á và thứ 13 thế giới. Theo kết quả điều tra dân số đến tháng 12/2010, Việt Nam có gần 87 triệu người. Mỗi năm, Việt Nam có từ 1 đến 1,2 triệu lao động gia tăng. Điều này phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam đang phát triển dồi dào. Nguồn nhân lực Việt Nam được cấu thành chủ yếu là nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Trong đó, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người (gần 10% dân số); nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người,…. Sự xuất hiện của giới doanh nghiệp trẻ được xem như một nhân tố mới trong nguồn nhân lực, nếu biết khai thác, bồi dưỡng, sử dụng tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. 

          2. Nguồn nhân lực Việt Nam cần cù lao động, chịu thương, chịu khó: Xuất phát từ nền văn hoá nông nghiệp và lịch sử hơn 4.000 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, người Việt Nam có truyền thống cần cù lao động, chịu thương chịu khó trong mọi hoàn cảnh để tham gia phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.

          3. Thông minh, sáng tạo, ham học hỏi: Con người Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ vì tài năng và trí thông minh. Các kỳ thi về toán học, vật lý, hoá học đều được vinh danh những học sinh, sinh viên giỏi Việt Nam. Trong lao động sản xuất, con người Việt Nam cũng nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

          4. Ngoài ra người Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn, có thể hy sinh tất cả kể cả bản thân mình để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của tổ quốc.      * Những mặt còn hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam:

1. Do nước ta đi lên từ xuất phát điểm rất thấp, đồng thời trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài, nguồn ngân sách đầu tư cho công tác giáo dục đào tạo vẫn còn hạn hẹp do đó chất lượng nguồn nhân lực bị hạn chế rất nhiều. Tỷ lệ lao động không qua đào tạo chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số lao động. Số lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 72% cả nước. Trong đó, lao động ở nông thôn chiếm 84%. Chúng ta phải cần thời gian từ 10 – 20 năm để thay thế đội ngũ nhân lực kém chất lượng này bằng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao hơn. Đặc điểm này của nguồn nhân lực Việt Nam có ảnh hưởng không tốt đối với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nước ta. Nó tạo ra khoảng cách giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên toàn thế giới. Lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không làm chủ được các công nghệ hiện đại tiên tiến của thế giới, không cạnh tranh được với thị trường lao động của khu vực và trên thế giới do đó nó sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

          2. Cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu so với thế giới, đặc biệt so với các nước phát triển. Người lao động Việt Nam còn tập trung quá nhiều ở khu vực nông nghiệp, chiếm tới 62,56%, tỷ lệ ở các ngành công nghiệp và dịch vụ thì lại chiếm rất ít: 13,5% và 24,29%. Trong đó ở Anh, tỷ lệ lao động trong công nghiệp 30%, Nhật bản là 34%. Mặc dù trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến nhưng tỷ lệ người lao động nông nghiệp vẫn còn rất cao trong khi đó ở các nước phát triển thì tỷ lệ này là rất thấp.

          3. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Cái thiếu của Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông, mà là nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu thống kê năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chiếm khoảng 40%. Cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý được thể hiện qua các tỷ lệ: Đại học và trên Đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92; trong khi trên thế giới, tỷ lệ này là 1-4-10. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới  (WB), Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94... Cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề cũng mất cân đối. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp ít và chiếm tỉ trọng thấp, trong khi đó các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ, y – dược...lại quá cao. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực có tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động như: Kinh doanh, tài chính ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo...

          4. Việt Nam những năm gần đây đội ngũ trí thức tăng nhanh, chỉ tính riêng số sinh viên cũng đã cho thấy sự tăng nhanh vượt bậc. Năm 2003-2004 tổng số sinh viên đại học và cao đẳng là 1.131.030 sinh viên, đến năm 2007- 2008 tăng lên 1.603.484 sinh viên. Năm 2008 tổng số sinh viên ra trường là 233.966 trong đó sinh viên tốt nghiệp đại học là 152.272; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng là 81.694. Số trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng tăng nhanh.Theo thống kê cả nuớc đến 2008 có hơn 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học và đang đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ có 20.000 tiến sĩ. Năm 2008 nước ta có 275 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 209 trường cao đẳng, 160 trường Đại học và có tới 27.900 trường phổ thông, 226 trường dân tộc nội trú…Nhìn vào những con số này cho thấy lực lượng trí thức đang thực sự là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Hàng năm lượng sinh viên ra trường lớn nhưng số sinh viên có việc làm lại ít. Theo thống kê có đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm, số có việc làm thì cũng có người làm việc không đúng ngành được học. Thêm vào đó là một số đơn vị nhận người vào làm phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Phải chăng lao động đã qua đào tạo còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thị trường lao động. Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng (a) họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc – học nghề, đại học, sau đại học -  mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình; (b) họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu của trong nước, vì chất lượng giảng dạy thấp; nội dung yếu và lạc hậu; khả năng nghiên cứu thấp; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp…

Theo các chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam trước mắt và lâu dài cần phải tính đến yếu tố chất lượng sinh đẻ và yếu tố bồi dưỡng sức dân. Không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sinh ra những đứa trẻ còi cọc, ốm yếu. Không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sức dân không được bồi dưỡng. Vấn đề này liên quan đến hàng loạt các yếu tố khác như chính sách xã hội, chính sách y tế, chính sách tiền lương, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng…. Các vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi chất lượng giáo dục đại học còn thấp; kết cấu hạ tầng còn rất thấp kém; tỷ lệ lao động mới qua đào tạo mới chỉ có từ 30 đến 40%; trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng máy tính, công nghệ thông tin kém….Kết quả chung là: Nhìn nhận theo góc độ đánh giá nguồn nhân lực, chất lượng con người Việt Nam thấp về nhiều mặt so với các nước ASEAN6 và Trung Quốc, có nhiều ưu thế không được nuôi dưỡng và phát huy đúng hướng.

5. Tác phong và kỷ luật lao động kém: Người Việt Nam còn yếu kém về tác phong lao động và kỷ luật lao động. Có lẽ vì xuất phát từ nền văn hoá lúa nước và cách sản xuất nông nghiệp nên so với người lao động các nước thì lao động Việt Nam có tác phong lao động chậm chạp, lề mề và tính vô kỷ luật trong công việc, ví dụ như: Việc đình công, bãi công không đúng luật; lãng công, lười biếng trong công việc; làm việc không đúng giờ giấc trong khi đó hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất dậy chuyền,…

* Những nguyên nhân chính:

1. Không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới, không khai thác lợi thế nước đi sau, thậm chí ít nhiều hoang tưởng, duy ý chí hoặc nhân  danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lõng (ví dụ: định thay bản chữ cái ABC, abc bằng bảng E,e; tình trạng bất cập của chương trình chuẩn, giáo án chuẩn; kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sỹ; các công trình khoa học nghiên cứu xong đều đem vào tủ cất; việc ồ ạt xây dựng  trường đại học tại nhiều tỉnh - trong khi đó bằng đại học của nước ta không được quốc tế công nhận; nhiều cơ quan nhà nước từ chối tuyển dụng sinh viên đại học tại chức vì lý do chất lượng đào tạo kém,….)

2. Tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã bóp méo những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực; làm sai lệch hướng vận dụng mọi nguồn lực.

3. Không lường đúng những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng cho phép của nguồn lực và một bên là đòi hỏi của phát triển; không lường đúng những mặt phức tạp và những khó khăn rất đa dạng, sâu xa của lĩnh vực thiết yếu bậc nhất và rất nhạy cảm này trong đời sống quốc gia, không nhận thức đúng những yếu kém lớn về năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước. Duy ý chí và bệnh thành tích đầu độc trầm trọng thêm tình trạng này.

4. Tri thức, tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ.

5. Chủ quan, duy ý chí bằng mệnh lệnh, chỉ tiêu trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nên chất lượng không đảm bảo, lãng phí thời gian, tiền bạc, sức lực của người học.

          * Những kiến nghị đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam:

Từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm của thế giới có thể thấy rằng, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 cũng nêu rõ cần tập trung tạo đột phá “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Để xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: 

Thứ nhất: xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 19/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 trong đó nêu rõ mỗi bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Vấn đề hiện nay là cần hiện thực hóa Chiến lược bằng các biện pháp, hành động cụ thể. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy rõ, coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục - đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, nâng cao thể lực cho người lao động, cải thiện giống nòi: Thể lực của người lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, chất dinh dưỡng, môi trường sống, thể dục thể thao… Do đó, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt nhằm cải thiển thể lực cho người Việt Nam. Trước mắt, cần tập trung cải thiện đời sống vật chất cho người dân, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi  suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) là 31,9% năm 2001, năm 2007 con số này là 21,2% và vẫn còn một tỷ lệ nhỏ trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và rất nặng.

Tiếp đó, cần cải thiện giống nòi, cải thiện chiều cao cân nặng từ yếu tố di truyền sinh học. Để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nữa việc thụ tinh trong ống nghiệm, việc mua, bán và lưu gửi tinh trùng ở các ngân hàng; khuyến khích và tạo điều kiện cho việc kết hôn với người nước ngoài. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao sự dẻo dai và sức chịu đựng, từ đó cải thiện thể lực cho nguồn nhân lực. Đây là biện pháp ít tốn kém nhưng có tác dụng rất lớn đến việc cải thiện thể lực cho lực lượng lao động.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chất lượng nguồn nhân lực được quyết định bởi chất lượng đào tạo, do đó cần tập trung đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo hướng đến việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Muốn làm được việc này cần có cơ chế phối hợp ba bên giữa nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp. Hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế ràng buộc giữa các bên với nhau, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu dẫn đến lãng phí và thiếu cục bộ. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các bên.

Thứ tư, song song với việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cần đi đôi với xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị của con người trong thời đại hiện nay như trách nhiệm công dân, tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội; sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lý tưởng. Đây cũng là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, rất cần được tiếp tục phát huy trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, chính sách lương - thưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Đại hội XI đã đề cập tới việc cụ thể hóa những hoạt động của lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu cường độ lao động cao.

Thứ sáu, vấn đề lớn nhất đặt ra cho nước ta không phải là cái nghèo, mà là ý chí phấn đấu với tất cả trí tuệ và nguồn lực có trong tay – điều này bao gồm cả ý chí xây dựng một thế chế chính trị và đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa hướng vào phát huy những giá trị chân chính của con người, trước hết là tự do và nghị lực sáng tạo của nó; kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại. Ngày nay không thể quan niệm đơn thuần nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa đơn giản là những người làm công ăn lương, những người nông dân ít có điều kiện học hành... Cuộc sống ngày nay đòi hỏi phải nhìn nhận nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, mọi địa vị xã hội từ thấp nhất đến cao nhất -  kể từ người làm nghề lao động đơn giản nhất, nông dân, công nhân, người làm công việc chuyên môn, người làm khoa học, người làm nhiệm vụ quản lý, nhà kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, giới nghệ sỹ, người hoạch định chính sách, quản lý đất nước... Tất cả đều nằm trong tổng thể của cộng đồng xã hội, từng người đều phải được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển, phải làm mọi việc để từng người đứng đúng chỗ của mình và chịu sự sàng lọc của cuộc sống.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy công quyền cũng phải đặt thành một ưu tiên. Nâng cao “quan trí”, nâng cao năng lực kỹ trị, nâng cao ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ viên chức ăn lương nhà nước. Người ta hay nói nhiều đến ý thức thấp kém của người nông dân, người công nhân… Song hiện tượng đáng lo lắng hơn lại là cuộc sống có không biết bao nhiêu ví dụ về tác trách, về vận dụng hay thi hành sai luật pháp và những chính sách đúng đắn.

Thứ bảy, cải thiện phẩm chất tâm lý xã hội cho người lao động: Để nguồn nhân lực có thể cạnh tranh thành công trên thị trường, đòi hỏi người lao động phải có sự chuyển biến một cách căn bản về phẩm chất tâm lý xã hội. Những gì là đặc trưng văn hóa tích cực và phù hợp như chịu thương, chịu khó trong công việc, sự cần mẫn chăm chỉ, ham học hỏi… của người lao động cần được phát huy. Những yếu tố cũ lạc hậu, không phù hợp như tác phong lề mề, ý thức kỷ luật kém, tùy tiện… cần được loại bỏ. Người lao động cần được giáo dục về ý thức trách nhiệm đối với công việc và lối sống văn hóa, đối với tổ chức, có đạo đức nghề nghiệp, năng động sáng tạo, khả năng thích ứng cao... trong một xã hội công nghiệp hiện đại. Việc cải thiện yếu tố tâm lý xã hội cho người lao động cần được lồng ghép ngay từ các bậc học phổ thông, trong cuộc sống, trong gia đình. Cải thiện phẩm chất tâm lý xã hội, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cần được đưa thành nội dung bắt buộc ở các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề./.

image002-1646475776
BÀI KIỂM TRA QL NNL-1646483950

 

Bình luận