Bài kiểm tra Môn Công vụ công chức - Yếu tố tạo nên thành công của mô hình công vụ chức nghiệp hoặc mô hình công vụ việc làm.

22-01-2025 18:12 Lượt xem: 738 Download: 994 4 trang
Yếu tố tạo nên thành công của mô hình công vụ chức nghiệp hoặc mô hình công vụ việc làm là gì ? Mô hình công vụ việc làm là cách thức bố trí nhân sự theo từng công việc cụ thể trong tổ chức. Mỗi một người làm một việc cụ thể trong suốt cuộc đời của họ với một mức lương nhất định. Tổ chức chia hệ thống hoạt động của tổ chức thành rất nhiều công việc cụ thể và mỗi một nhân sự trong tổ chức được giao một công việc. Triết lý cơ bản của mô hình công vụ việc làm là : “Công việc được thực hiện tốt và ai là người thực hiện”

Bản xem trước: Download Bản đầy đủ

Bài kiểm tra Môn Công vụ công chức - Tài liệu cao học hành chính Công vụ công chức

Câu hỏi : Yếu tố tạo nên thành công của mô hình công vụ chức nghiệp hoặc mô hình công vụ việc làm là gì ?

Bài làm:    

Trên thế giới hiện nay có ba mô hình cơ bản về tổ chức công vụ là

- Mô hình lột xác (spoil);

- Mô hình chức nghiệp hay còn gọi là mô hình ngạch, bậc (career system);

- Mô hình việc làm hay còn gọi là vị trí công việc (position-based system or job-based system).

* Yếu tố tạo nên thành công của mô hình công vụ việc làm:

Mô hình công vụ việc làm là cách thức bố trí nhân sự theo từng công việc cụ thể trong tổ chức. Mỗi một người làm một việc cụ thể trong suốt cuộc đời của họ với một mức lương nhất định. Tổ chức chia hệ thống hoạt động của tổ chức thành rất nhiều công việc cụ thể và mỗi một nhân sự trong tổ chức được giao một công việc.

Triết lý cơ bản của mô hình công vụ việc làm là : “Công việc được thực hiện tốt và ai là người thực hiện”

Đặc điểm của  mô hình công vụ việc làm : Thực chất là một hệ thống tiền lương được thiết lập dựa trên cơ sở đánh giá công việc, do đó coi trọng công việc hơn là đặc điểm cá nhân của người nắm giữ công việc. Nền công vụ bao gồm một hệ thống thứ bậc công việc được thiết lập dựa trên việc phân tích một cách hệ thống nội dung các công việc đó. Công việc được sắp xếp theo một trật tự thứ bậc chứ không phải bản thân công chức và trình độ học vấn của họ như trong mô hình chức nghiệp. Đánh giá công việc và phân loại công việc thường được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia mang tính chuyên môn cao. Các vị trí công việc khác nhau được xếp vào các mức (level) khác nhau căn cứ vào mức độ phức tạp của công việc. Vấn đề được quan tâm nhất trong mô hình này là đảm bảo việc trả lương công bằng theo các vị trí công việc. Mô hình công vụ việc làm dựa trên khái niệm “chuyên gia”. Hay nói cách khác, mỗi công chức được coi là một chuyên gia, bởi mỗi một vị trí công việc nhất định đòi hỏi một công chức cụ thể với những tiêu chuẩn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Về nguyên tắc, công chức cũng có thể chuyển từ vị trí này sang vị trí khác nhưng với điều kiện các vị trí đó phải có nhiệm vụ và mức độ trách nhiệm tương tự, và do đó tiền lương được nhận cũng tương đương. 

Chính từ những đặc điểm trên đã tạo nên thành công của mô hình công vụ việc làm ở những điểm sau đây :

 Thứ nhất, nó được coi là một mô hình “mở” vì nó tạo điều kiện cho tất cả những ai quan tâm đều có thể tiếp cận đến các vị trí công việc và cho phép dự tuyển vào công vụ bất cứ khi nào có vị trí công việc trống. Trong nền công vụ việc làm, người ta quan tâm đến việc chọn được người phù hợp nhất cho mỗi vị trí, mà không quan tâm đến việc người đó được chọn thông qua tuyển chọn nội bộ hay từ bên ngoài. Khi có nhu cầu và cơ hội, người lao động thường chuyển đổi công việc từ khu vực tư sang khu vực công và ngược lại. Muốn đảm nhận các vị trí công việc ở mức cao hơn, các công chức phải thực thi tốt công việc hiện tại để chứng minh mình có thể hoàn thành các công việc phức tạp hơn. Không giống như mô hình công vụ chức nghiệp, trong mô hình công vụ việc làm, việc tuyển dụng nói riêng và các hoạt động quản lý nguồn nhân lực nói chung thường được phân cấp. Theo đó, các nhà quản lý có nhiều quyền hơn trong việc tuyển chọn hay thuê người vào làm việc, thậm chí được phép trả lương theo cơ chế thị trường và cho phép ký các hợp đồng ngắn hạn để lựa chọn được người giỏi.

Thứ hai, việc tuyển người vào bộ máy nhà nước thực chất là tuyển vào các vị trí trống của một công việc nhất định chứ không phải tuyển vào “ngạch, bậc” và làm bất cứ công việc gì được giao như trong mô hình chức nghiệp. Một người chỉ có thể trở thành công chức sau khi thi đỗ vào một chỗ trống trong nền công vụ đã được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thông báo công khai này là bắt buộc không chỉ đối với việc tuyển mới vào công vụ mà còn đối với các vị trí cao hơn trong nền công vụ khi thực hiện bổ nhiệm, thăng tiến đối với công chức. Đối với việc đề bạt, cũng cần phải được thông báo công khai để công chức và  những người nộp đơn từ bên ngoài cùng nhau cạnh tranh. Như vậy, đối tượng tuyển dụng vào một vị trí nào đó trong nền công vụ được mở rộng và tạo cơ hội cho không chỉ những người bên trong công vụ mà cả những người làm việc ở các doanh nghiệp và khu vực ngoài nhà nước có thể tham gia. Chế độ công vụ này cho phép các cơ quan nhà nước dễ dàng thay đổi vị trí công tác của công chức theo yêu cầu công việc dựa theo thành tích, công trạng và năng lực thực tế của bản thân công chức.

Thứ ba, mô hình công vụ việc làm mặc dù không tạo ra tính ổn định cao của đội ngũ công chức như mô hình chức nghiệp nhưng lại có nhiều ưu điểm nổi trội thể hiện ở tính năng động, hiệu quả của công chức trong thực thi công vụ. Việc thi tuyển cạnh tranh công khai đối với tất cả các vị trí trong nền công vụ và không giới hạn ở phạm vi đối tượng dự tuyển cho phép thu hút và lựa chọn được người đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc, kể cả các tài năng bên ngoài khu vực nhà nước. Điều này cũng tạo ra những cơ hội cho việc bổ nhiệm dựa trên thành tích, công trạng hay năng lực thực tế của công chức. Thêm nữa, trong mô hình công vụ việc làm, các yêu cầu công việc, trách nhiệm của từng vị trí rất cụ thể, rõ ràng do xuất phát từ việc phân tích, mô tả các vị trí công việc trong nền công vụ, do đó tạo điều kiện cho việc đánh giá công chức và đảm bảo sự công bằng trong việc trả lương, thưởng và các chế độ khác. 

Kết luận : Từ những phân tích trên có thể thấy mô hình công vụ việc làm sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế của nền công vụ, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong đội ngũ công chức không chỉ về chất lượng mà cả ở tư duy làm việc, cách thức làm việc, và do đó hiệu quả làm việc cũng sẽ được cải thiện, đồng thời khả năng phù hợp của nó với nền kinh tế thị trường cũng cao hơn. Áp dụng mô hình này sẽ tạo điều kiện để xây dựng một nền công vụ hiệu quả, mang tính chuyên môn hóa cao sẽ rất phù hợp. Tuy nhiên ở Việt Nam ta hiện nay, khi các điều kiện cần thiết cho việc vận hành nền công vụ việc làm chưa đáp ứng được, thì chúng ta nên áp dụng kết hợp cả hai mô hình này bởi vì nhược điểm của mô hình này sẽ được khắc phục bởi ưu điểm của mô hình kia và ngược lại ./.

Tài Liệu Học Tập-1646104950
image002-1646475776

 

Bình luận