Luận văn về xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam

28-03-2024 16:49 Lượt xem: 770 Download: 527 40 trang
Nghèo đói là một hiện tượng tồn tại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều cách tiếp cận, quan niệm khác nhau về nghèo đói cũng như các tiêu chí xác định nghèo đói trên thế giới, điều này phụ thuộc vào yếu tố lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như phong tục tập quán của từng vùng, từng quốc gia đó. + Quan điểm của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Tại Hội nghị về chống nghèo đói do Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do (ESCAP) tổ chức ở Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 9 -1993, các quốc gia trong khu vực đã thống nhất cao về khái niệm nghèo đói như sau: “Nghèo là tình trạng một số bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người, mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển và phong tục tập quán của từng địa phương”

Bản xem trước: Download Bản đầy đủ

LUẬN VĂN CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN VỀ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

1.1. Quan niệm và các vấn đề cơ bản về nghèo đói

1.1.1. Quan niệm về nghèo

Nghèo đói là một hiện tượng tồn tại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều cách tiếp cận, quan niệm khác nhau về nghèo đói cũng như các tiêu chí xác định nghèo đói trên thế giới, điều này phụ thuộc vào yếu tố lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như phong tục tập quán của từng vùng, từng quốc gia đó.

Dưới đây là một số quan niệm về nghèo đói và cách xác định tiêu chí nghèo đói tiêu biểu trên thế giới:

+ Quan điểm của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Tại Hội nghị về chống nghèo đói do Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do (ESCAP) tổ chức ở Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 9 -1993, các quốc gia trong khu vực đã thống nhất cao về khái niệm nghèo đói như sau: “Nghèo là tình trạng một số bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người, mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển và phong tục tập quán của từng địa phương” [trần thị hằng, vấn đề giảm nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, tr.26]

Như vậy, ESCAP đã đưa ra quan niệm về nghèo đói với ba vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Nhu cầu cơ bản của con người bao gồm: ăn, mặc, ở, y tế, giáo dục, văn hoá, đi lại và giao tiếp xã hội.

Thứ hai: Nghèo đói thay đổi theo thời gian: Thước đo nghèo đói sẽ thay đổi theo thời gian, kinh tế càng phát triển, thì nhu cầu cơ bản của con người cũng sẽ thay đổi theo và có xu hướng ngày một cao hơn.

Thứ ba: Nghèo đói thay đổi theo không gian

+ Quan điểm Hội nghị thượng đỉnh thế giới:

Quan điểm Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch năm 1995 đã đưa ra một quan niệm cụ thể hơn về nghèo đói như sau: “Người nghèo là tất cả những ai mà thu nhập thấp hơn dưới 1 đô la (USD) mỗi ngày cho mỗi người, số tiền được coi như đủ mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại”.

+ Quan điểm của Ngân hàng thế giới (WB) nhận định “Nghèo là một khái niệm đa chiều vượt khỏi phạm vi túng thiếu về vật chất. Nghèo không chỉ gồm các chỉ số dựa trên thu nhập mà còn bao gồm các vấn đề liên quan đến năng lực như: dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục, khả năng dễ bị tổn thương, không có quyền phát ngôn và không có quyền lực”.

+ Quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Nghèo theo thu nhập. Theo đó một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm của quốc gia.

+ Quan điểm của Ủy ban phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP): Năm 1998, UNDP công bố một bản báo cáo có nhan đề “Khắc phục sự nghèo khổ của con người” đã đưa ra những định nghĩa về nghèo như sau [TS. Trần Thị Hằng, vấn đề giảm nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, tr.25]:

- Sự nghèo khổ của con người: Thiếu những quyền cơ bản của con người như biết đọc, biết viết và được nuôi dưỡng tạm đủ.

- Sự nghèo khổ về tiền tệ: Thiếu thu nhập tối thiểu thích đáng và khả năng chi tiêu tối thiểu.

- Sự nghèo khổ cực độ: Nghèo khổ khốn cùng tức là không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản tối thiểu.

- Sự nghèo khổ chung: mức độ nghèo kém nghiêm trọng hơn được xác định như sự không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu lương thực và phi lương thực chủ yếu, những nhu cầu này đôi khi được xác định ở nước này hay nước khác.

- Sự nghèo khổ tương đối: Sự nghèo khổ được xác định theo những chuẩn mực có thể thay đổi theo thời gian ở nước này hay nước khác. Ngưỡng này có thể tăng lên đồng thời với thu nhập.

- Sự nghèo khổ tuyệt đối: Sự nghèo khổ được xác định bằng một chuẩn mực cố định. Chẳng hạn như ngưỡng quốc tế của sự nghèo khổ là 1 đô la/người/ngày.

+ Quan điểm của chuyên gia kinh tế: Ông Abapia Sen, một chuyên gia hàng đầu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) - người được giải thưởng Nôben về kinh tế năm 1998, cho rằng: “Nghèo đói là sự thiếu cơ hội lựa chọn tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng. Xét cho cùng sự tồn tại của con người nói chung và người giàu, người nghèo nói riêng, cái khác nhau cơ bản để phân biệt họ chính là cơ hội lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống, thông thường người giàu có cơ hội lựa chọn nhiều hơn, người nghèo có cơ hội lựa chọn ít hơn”.

Tóm lại, quan niệm về nghèo đói trên thế giới phản ánh ở 3 cấp độ cơ bản: Thứ nhất: Không được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu dành cho con người; Thứ hai: có mức sống thấp hơn mức sống cộng đồng; Thứ ba: thiếu cơ hội lựa chọn tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng.

+ Quan niệm nghèo ở Việt Nam: Về cơ bản quan niệm nghèo của Việt Nam thống nhất với khái niệm nghèo của ESCAP. Quan niệm nghèo ở đây có hai dạng là nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối.

- Nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn nhu cầu cơ bản, tối thiểu để duy trì cuộc sống. Nhu cầu cơ bản, tối thiểu đó là mức bảo đảm tối thiểu về ăn, mặc, nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và vệ sinh môi trường. Nhu cầu này cũng có sự thay đổi, khác biệt từng quốc gia và cũng được mở rộng dần.

- Nghèo tương đối là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình của cộng đồng ở một thời kỳ nhất định. Nghèo tương đối gắn liền với sự chênh lệch về mức sống của một bộ phận dân cư so với mức sống trung bình của địa phương ở một thời kỳ nhất định. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc xóa dần nghèo tuyệt đối là việc có thể làm, còn nghèo tương đối là hiện tượng thường có trong xã hội và vấn đề cần quan tâm là rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo.

1.1.2 Quan niệm về đói

Trên thế giới, người ta không phân biệt rõ các khái niệm về nghèo, đói mà chúng thường được nhắc đến cùng nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam, đói được hiểu như sau:

Là tình trạng của một bộ phận dân cư nghèo có mức sống dưới mức tối thiểu và thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu về vật chất để duy trì cuộc sống. Hay nói một cách khác đói là một nấc thang thấp nhất của nghèo. .[Nguyễn Hoàng Lý, XĐGN ở tỉnh Gia Lai, thực trạng và giải pháp, luận văn thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2005, tr.12]

Nghèo đói kinh niên: Là bộ phận dân cư nghèo đói nhiều năm liền cho đến thời điểm đang xét.

Nghèo đói cấp tính: Là bộ phận dân cư rơi vào tình trạng nghèo đói đột xuất vì nhiều nguyên nhân như phá sản và các rủi ro khác, tại thời điểm đang xét.

Từ những cơ sở nêu trên, có thể khái quát: Nghèo đói là một phạm trù lịch sử, có tính tương đối. Quan niệm chung về đói nghèo trên thế giới và Việt Nam cơ bản giống nhau, đều chỉ những người có thu nhập thấp, dưới đáy của xã hội; họ không được hưởng thụ những nhu cầu cơ bản ỏ mức tối thiểu cho con người; bất bình đẳng trong quá trình phát triển của cộng đồng.

Tính chất và đặc trưng của nghèo đói phụ thuộc vào điều kiện địa lý tự nhiên, nhân tố chính trị, văn hóa và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, quốc gia, khu vực. Đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn, là cơ sở cho việc tìm kiếm đồng bộ các giải pháp XĐGN ở nước ta, nhất là ở vùng đặc trưng như đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có nhiều quan niệm về nghèo đói khác nhau, trong luận văn này, tác giả lựa chọn quan niệm của Việt Nam để thực hiện quá trình nghiên cứu của mình.

1.1.3. Quan niệm về Xóa đói, giảm nghèo

1.1.3.1. Quan niệm về Xóa đói

Xóa đói là làm cho bộ phận dân cư nghèo sống dưới mức tối thiểu và thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu về vật chất để duy trì mức sống, từng bước nâng cao mức sống đến mức tối thiểu và có thu nhập đủ để đảm bảo nhu cầu về vật chất để duy trì cuộc sống [Đỗ Thị Dung, 2011, Giải pháp Xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng].

1.1.3.2 Quan niệm về Giảm nghèo

Giảm nghèo là làm cho bộ phận dân cư nghèo nâng cao mức sống, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo. Biểu hiện ở tỷ lệ phần trăm và số lượng người nghèo giảm xuống. Nói một cách khác, giảm nghèo là quá trình chuyển bộ phận dân cư nghèo lên một mức sống cao hơn.

Ở khía cạnh khác, giảm nghèo là chuyển từ tình trạng có ít điều kiện lựa chọn sang tình trạng có đầy đủ điều kiện lựa chọn hơn để cải thiện đời sống mọi mặt của mỗi người. [TS. Trần Thị Hằng, 2001, Vấn đề giảm nghèo trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 34]

1.1.4. Chuẩn nghèo đói

Chuẩn nghèo đói là một tiêu chuẩn nhằm xác định một người hay một hộ gia đình nào đó sống dưới mức tối thiểu về các nhu cầu vật chất và tinh thần.

          1.1.4.1 Xây dựng chuẩn nghèo đói của Thế giới [Nguyễn Hoàng Lý, XĐGN ở tỉnh Gia Lai, thực trạng và giải pháp, luận văn thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2005, tr.15]

Xác định chuẩn nghèo dựa theo khẩu phần ăn: Trước tiên là phải xác định được số lương thực, thực phẩm thích hợp sau đó đưa ra số Kcalo chuẩn nhất cho tiêu dùng của một người hàng ngày, tất nhiên không có sự thống nhất giữa các quốc gia về lượng Kcalo tiêu dùng để xác định chuẩn nghèo.

Xác định chuẩn nghèo theo thu nhập bình quân: Các quốc gia xác định chuẩn nghèo dựa trên sự thiếu hụt của cá nhân, hộ gia đình so với mức sống trung bình đạt được. Có quốc gia xác định chuẩn này dựa trên 1/2 thu nhập bình quân, có quốc gia lại dựa trên 1/3 thu nhập bình quân.

Chuẩn nghèo 1 USD, 2 USD /ngày/người: Để có điều kiện đánh giá hiệu quả của các chính sách chống đói nghèo theo thời gian và so sánh tỷ lệ nghèo đói giữa các nước này với các nước khác, cũng như việc xác định các nơi cần phải trợ giúp, một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, đã sử dụng mức tiêu chuẩn 1 USD, 2 USD/ngày/người. Trong đó các mức này được dựa trên sức mua tương đương của đồng USD năm 1995. Chuẩn nghèo này là chuẩn nghèo tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định là hiện tại còn rất nhiều vấn đề liên quan đến cách tính 1 USD, 2 USD theo sức mua tương đương với đồng USD. Do vậy, phương pháp này chủ yếu để so sánh quốc tế hơn là trong nước.

1.1.4.2 Xây dựng chuẩn nghèo ở Việt Nam

Tại Việt Nam, việc xây dựng chuẩn nghèo dựa trên các tính toán của các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê hay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Chuẩn nghèo theo Tổng cục Thống kê được xác định dựa trên cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới (WB), gồm hai mức [Nguyễn Hoàng Lý, XĐGN ở tỉnh Gia Lai, thực trạng và giải pháp, luận văn thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2005, tr.16]:

+ Nghèo lương thực thực phẩm: thực phẩm được xác định là chi phí cần thiết mua rổ lương thực, thực phẩm cung cấp đủ lượng Kcalo tiêu dùng bình quân 1 người 1 ngày (2.100 Kcalo).

+ Nghèo chung: lấy chuẩn nghèo về lương thực, thực phẩm cộng với chi phí cho các mặt hàng phi lương thực, thực phẩm của nhóm dân cư 3 (nhóm có mức sống trung bình).

Chuẩn nghèo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Lúc đầu chuẩn nghèo được xác định dựa vào nhu cầu chi tiêu, sau đó chuyển sang sử dụng chỉ tiêu thu nhập [Nguyễn Hoàng Lý, XĐGN ở tỉnh Gia Lai, thực trạng và giải pháp, luận văn thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2005, tr.17]

* Chuẩn nghèo Việt Nam qua các giai đoạn

Nước ta đã 6 lần điều chỉnh chuẩn nghèo từ 1993 đến 2015.

- Giai đoạn 1993 - 1995:                     

Hộ đói: bình quân thu nhập đầu người quy gạo/tháng dưới 13 kg đối với thành thị, dưới 8 kg đối với khu vực nông thôn.

          Hộ nghèo: bình quân thu nhập đầu người quy gạo/tháng dưới 20 kg đối với thành thị, dưới 15 kg đối với khu vực nông thôn.

          - Giai đoạn 1995 - 1997:

          Hộ đói: là hộ có mức thu nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tính cho mọi vùng.

          Hộ nghèo là hộ có thu nhập như sau:

          + Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 15 kg/người/tháng.

          + Vùng nông thôn đồng bằng, trung du: dưới 20 kg/người/tháng.

          + Thành thị: dưới 25kg/người/tháng.

- Giai đoạn 1997 - 2000 (Công văn số 1751/LĐTBXH ngày 20/5/1997 củ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ):

          Hộ đói: là hộ có mức thu nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tương đương 45.000 đồng (giá năm 1997, tính cho mọi vùng).

          Hộ nghèo là hộ có thu nhập tuỳ theo từng vùng ở các mức tương ứng như sau:

          + Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 15 kg/người/tháng (tương đương 55.000 đồng).

          + Vùng nông thôn đồng bằng, trung du: dưới 20 kg/người/tháng (tương đương 70.000 đồng)..

          + Thành thị: dưới 25kg/người/tháng (tương đương 90.000 đồng).

- Giai đoạn 2001 - 2005 (Quyết định số 1143/2000/QĐ – LĐTBXH ngày ngày 01/11/2000 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội):

          + Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 80.000 đ/người/tháng.

          + Vùng nông thôn đồng bằng: dưới 100.000 đ/người/tháng.

          + Thành thị: dưới 150.000 đ/người/tháng.

- Giai đoạn 2006 - 2010 (Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính Phủ):

          + Thành thị: 260.000 đ/người/tháng.

          + Vùng nông thôn (cho cả miền núi và đồng bằng): 200.000 đồng/ người/tháng.

          Trước năm 2006, chuẩn nghèo cho khu vực nông thôn đồng bằng cao hơn chuẩn nghèo cho khu vực nông thôn miền núi, mức chênh lệch là 1,25 lần. Khi áp dụng chuẩn nghèo chung cho vùng nông thôn đồng bằng và nông thôn miền núi điều này sẽ có lợi hơn cho người dân khu vực nông thôn miền núi. Đây cũng là sự thể hiện quan điểm bình đẳng hơn, toàn diện hơn khi xem xét xác định chuẩn nghèo.

Khu vực thành thị chuẩn nghèo mới cao gấp 1,73 lần chuẩn nghèo cũ và tương đương với 2,8 USD một ngày tính theo sức mua tương đương năm 2005.

Khu vực nông thôn đồng bằng chuẩn nghèo mới cao gấp 2 lần chuẩn nghèo cũ; khu vực nông thôn miền núi chuẩn nghèo mới cao gấp 2,5 lần và tương đương với 2,2 USD một ngày tính theo sức mua tương đương năm 2005.

- Giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính Phủ)

+ Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

+ Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.

+ Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.

+ Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

1.1.2 Khái niệm dân tộc, vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

          1.1.2.1 Khái niệm dân tộc

* Quan điểm Macxit về sự hình thành dân tộc [1]:

Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mac Lê nin, dân tộc là một phạm trù lịch sử, được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người. Trước khi tiến tới trình độ dân tộc, loài người đã trải qua các hình thức cộng đồng tộc người dân tộc khác nhau, từ thấp đến cao – từ thị tộc, bộ lạc, bộ tộc và dân tộc.

Dân tộc là cộng đồng người ở trình độ phát triển cao nhất, sau bộ lạc và bộ tộc. Về mặt không gian (lãnh thổ), có dân tộc vẫn sống trên địa bàn của bộ tộc trước đó, lại có dân tộc mở rộng địa bàn mình do sự hợp nhất (tự nguyện cũng như cưỡng bức). Về mặt văn hóa, dân tộc có tính thuần nhất đạt tới trình độ cao (với ngôn ngữ thống nhất), và cùng với nó là sự biến mất của sự khác biệt văn hóa giữa các vùng (từng phần hay toàn bộ). Quá trình thống nhất dân tộc được củng cố bằng sức mạnh nhà nước tập trung. Và một nền tảng khá căn bản của sự hình thành dân tộc là sự hình thành thị trường toàn quốc với những quan hệ hàng hóa tiền tệ ở trình độ nhất định. Dân tộc trong nhiều trường hợp, có thể là kết quả của sự pha trộn giữa nhiều chủng tộc khác nhau. Trong tất cả các yếu tố hình thành dân tộc, còn phải nhấn mạnh đến tâm lý dân tộc và khi nói đến tính dân tộc, trước hết phải nói đến yếu tố này.

Việc hình thành cộng đồng dân tộc diễn ra theo chiều hướng khác nhau, tùy thuộc đặc điểm từng nước, nhưng có ba hướng chính:

- Các nước có cộng đồng tộc người đồng nhất hoặc gần như đồng nhất sẽ hình thành dân tộc khi trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt tới trình độ của chủ nghĩa tư bản. Ở đây, dân tộc – tộc người trùng với dân tộc – quốc gia hay quốc gia – dân tộc.

- Các nước đa dân tộc người song đại bộ phận dân cư sử dụng các ngôn ngữ thân thuộc và có các đặc trưng sinh hoạt văn hóa giống nhau khi đạt đến trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa sẽ diễn ra quá trình hòa nhập giữa các tộc người để hình thành dân tộc.

- Các nước đa tộc người có trình độ phát triển không đều nhau thì các tộc người đạt trình độ sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ phát triển thành các “dân tộc”. Các dân tộc này sẽ giữ vai trò cố kết các tộc người khác trong quốc gia để tiến tới hình thành quốc gia – dân tộc.

Có thể nói, trong những trường hợp bàn về sự hình thành dân tộc mà ở đó khái niệm dân tộc được sử dụng như một thuật ngữ khoa học thì các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mac leenin đều thống nhất cho rằng, phải đến thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, dân tộc mới có điều kiện hình thành.

* Một số cách tiếp cận của tài liệu khoa học Việt Nam

Từ điển Bách khoa Việt Nam: Dân tộc hay quốc gia dân tộc là một cộng đồng chính trị - xã hội được chỉ đạo bởi một nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, ban đầu được hình thành do sự tập hợp của nhiều bộ lạc và liên minh bộ lạc, sau này là của nhiều cộng đồng mang tính tộc người. Tính chất của dân tộc phụ thuộc vào những phương thức sản xuất khác nhau.

Từ điển Tiếng Việt đưa ra hai định nghĩa:

- Dân tộc là cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và thống nhất về văn hóa, tâm lý.

- Dân tộc là cộng đồng người mang tính ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung.

Trong Giáo trình quốc gia Triết học Mac Lênin, do Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo biên soạn, đã viết: Khái niệm dân tộc thông thường được dùng để chỉ hầu như tất cả các hình thức cộng đồng người (bộ lạc, bộ tộc, dân tộc). Cần phân biệt dân tộc theo nghĩa rộng trên đây với dân tộc theo nghĩa khoa học: đó là hình thức cộng đồng người cao hơn các hình thức cộng đồng trước đó kể cả bộ tộc.

Trong Giáo trình Quản lý Nhà nước về Tôn giáo và Dân tộc của Học Viện Hành Chính Quốc gia biên soạn, thuật ngữ dân tộc được hiểu theo hai nghĩa cơ bản sau:

Thứ nhất, Dân tộc (Nation) hay quốc gia dân tộc là cộng đồng chính trị - xã hội được chỉ đạo bởi Nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, ban đầu do sự tập hợp của nhiều bộ lạc và liên minh Bộ lạc, sau này do nhiều cộng đồng mang tính tộc người (ethnic) của bộ phận tộc người…

Trong khái niệm “Quốc gia – dân tộc” cũng cần phân biệt:

- Quốc gia chỉ bao gồm một dân tộc (tộc người).

- Quốc gia đa dân tộc (tộc người) gồm một dân tộc đa số và nhiều dân tộc thiểu số như hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, Dân tộc (Ethnic) đồng nghĩa với cộng đồng mang tính tộc người. Cộng đồng có thể là bộ phận chủ thể hay thiểu số một dân tộc (nation) sinh sống ở nhiều quốc gia dân tộc khác nhau, được liên kết với nhau bằng những đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác dân tộc.

Điều 5, Hiến pháp 1992, nêu rõ “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước

 

 

[1] Phan Xuân Sơn – ThS Lưu Văn Quảng. Những vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr16

Bình luận